Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Cho bé ăn dặm - những điều cần biết


Ăn dặm là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, một bước chuyển ngoạn mục từ bú hoàn toàn sang chế độ ăn có thêm thức ăn dạng đặc. Đây thật sự là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho cả bé lẫn mẹ, đặc biệt là những bà mẹ mới sinh con đầu lòng.

Trong thời gian sau khi sinh, nếu bé tăng cân ổn định nhờ sữa mẹ (có thể thêm sữa bột) thì thời điểm tốt nhất để cho bé bắt đầu ăn dặm theo các nhà nhi khoa là khi bé được 4-6 tháng tuổi. Không nên để đến khi trẻ được 7-8 tháng tuổi vì lúc này, bé đã quá quen với việc bú sữa, khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đậm đặc khác sữa, cũng không quen với cách ăn bằng thìa. Khi này, việc tập cho bé ăn dặm sẽ rất khó khăn.

Nếu bé 4 tháng tuổi tăng 200g mỗi tuần thì có thể lùi thời điểm ăn dặm đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Nếu không đạt mức tăng trưởng này, bé cần được tập ăn dặm ngay vì sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Khi bạn thấy con bạn đã bắt đầu nhìn thòm thèm những miếng ăn bạn đưa từ bát lên miệng, đòi thức ăn khi nhìn mọi người ăn uống, biết chộp những mẩu thức ăn trên mâm…đây là lúc bạn có thể tập cho bé ăn dặm được rồi. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.

cho-tre-an-dam


1. Tập cho bé ăn dặm như thế nào?
Đồ ăn:
Nên tuân thủ nguyên tắc “từ loãng đến đặc – từ ít đến nhiều – từ mịn đến thô”. Cho trẻ ăn loại thức ăn phù hợp với từng độ tuổi, không nên vội vàng hoặc đốt giai đoạn, sự thay đổi đột ngột trong độ đặc và độ mịn của thức ăn dễ khiến trẻ sặc, nghẹn hoặc khó nuốt.

Không thể thay thế được sữa mẹ hoặc sữa bột ngay tức thời mà phải xen kẽ. Thoạt đầu thì chỉ cần vài muỗng nhỏ để làm quen. Nhưng khi bé đã khoái khẩu rồi và hệ tiêu hóa bé cũng đã làm quen với thức ăn thì bạn tăng dần lượng và có thể thay đổi món khác.

Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng thìa thay vì bú mút. Các thức ăn đầu tiên có thể là:

- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng thìa.
- Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn, trộn với vài thìa sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.
- Một thìa bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm hoặc sữa, 1 thìa nước cơm hòa với sữa.
- Tán nhuyễn vài thìa bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.

Đầu tiên, cần chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn, có thể tăng dần lên 1-3 thìa nhỏ. Nên tập lúc bé đói; sau đó vẫn cho bú bình thường đến khi đủ no.

Khi bé đã quen với thức ăn đầu tiên, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần, bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn. Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sền sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi. Mỗi loại thức ăn mới cần tập trong 3-5 ngày mới chuyển sang thức khác. Thời gian này đủ để bé làm quen với thực phẩm, giúp mẹ phát hiện ra loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.

Thông thường, khi bắt đầu làm quen với thức ăn và cách ăn mới, trẻ sẽ có phản ứng nhất định, từ việc thể hiện bằng thái độ cho đến sự dung nạp thức ăn của cơ thể. Trong quá trình tập ăn giặm, có thể trẻ sẽ phản đối, không hợp tác hoặc bố mẹ cho ăn chưa đúng cách khiến cho trẻ bị nôn, sặc… Vậy làm thế nào để tránh những điều không mong muốn này?

Tư thế:
Trẻ ở giai đoạn tập ăn giặm đa số chưa biết ngồi hoặc ngồi chưa vững, vì thế mẹ thường có xu hướng một tay bế con và một tay đút ăn. Với một số bà mẹ đã có kinh nghiệm thì cho con ăn theo cách này không khó, chỉ cần giữ cho lưng trẻ thẳng và đầu hơi nghiêng.

Tuy nhiên, với những bé hay ngọ nguậy và quấy khóc thì không thể làm theo cách này mà nên đặt trẻ vào một chiếc ghế chuyên dụng, loại ghế nằm có thể điều chỉnh độ dốc ở phần lưng và có dây ràng ngang bụng bé; lúc này tay bạn sẽ rảnh rang và dễ thao tác hơn so với cách vừa bế vừa đút ăn.

Với trẻ đã biết ngồi chắc chắn, bạn chỉ cần cho trẻ ngồi vào ghế tập ăn. Hoàn toàn không nên cho trẻ vừa nằm vừa ăn, cho dù là ăn bột pha loãng.

Tâm lý:
Không đút khi trẻ đang quấy khóc hoặc ngọ nguậy không yên vì đây là những lúc dễ bị sặc nhất.
Không ép trẻ ăn liên tục, nên cho trẻ thời gian nhai kỹ, nuốt hẳn thức ăn trong miệng và chờ thêm một chút trước khi đút muỗng kế tiếp.
Không nên quát mắng dọa nạt hoặc bày cho trẻ hững trò chơi quá sôi nổi trong khi ăn, đùa giỡn quá trớn dễ khiến cho trẻ mất tập trung và vội vàng trong khi nuốt, dẫn đến nghẹn, sặc.
Cho dù trẻ ăn được ít hay nhiều, cũng nên dừng bữa ăn sau 30 phút. Nếu kéo dài sẽ khiến hai mẹ con mệt mỏi, thức ăn để lâu dễ bị vữa, không đảm bảo dinh dưỡng.

2. Ăn dặm bao nhiêu là đủ ?

Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất bột đường (gạo, bún, mì, bánh phở), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, tào phớ), rau và trái cây.

Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất (trừ giai đoạn đầu chỉ ăn dặm với 1 loại thực phẩm). Với nửa bát bột hay cháo (khoảng 100 ml), cần cho thêm chất đạm, rau củ (đều băm nhuyễn), dầu ăn (hay mỡ nước), mỗi thứ 1 thìa canh.

Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín. Nên nấu bữa nào ăn bữa đó; thay đổi món thường xuyên cho bé. Giữa các bữa ăn, có thể cho bé uống thêm 50-100 ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết.

- Trẻ 4-6 tháng: Lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. Các cữ sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.

- Từ 6 đến 9 tháng: Ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9 đến 12 tháng: Ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3 bát mỗi bữa. Ǎn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như pho mát, bánh flan, rau câu, tào phớ đường. Sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé khác nhau tùy theo khả năng tiêu hóa, hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn. Vì vậy, bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.

3. Những trục trặc có thể xảy ra

- Bé chống cự lại, không chịu ăn: Hãy đổi qua một loại thức ăn khác, vì có thể bé không thích bột ngọt (bột sữa) mà lại thích ăn bột mặn (bột thịt, tôm…) hay ngược lại. Thay vì dùng thìa đút, bạn có thể lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, hãy tạm dừng 1-2 tuần sau rồi thử lại. Không nên ép bé.

- Bé đi tiêu hơi lỏng: Nếu bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe, bạn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn. Nếu bé đi tiêu nhiều nước và đi hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo nôn trớ, chướng bụng, bỏ bú… thì nên ngừng cho ăn ngay. Nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.

- Bé bị dị ứng: quan sát các dấu hiệu dị ứng như mẩn đỏ, chảy nước mũi, nghẹn, quấy khóc hay đau bụng. Hãy chú ý các phản ứng nghiêm trọng. Nếu có cần trao đổi ngay với bác sĩ.

- Bé bị nghẹn, khó nuốt: kiểm tra xem bột có quá đặc, quá lợn cợn không. Hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh hay sữa; hoặc tán nhỏ thức ăn hơn nữa bằng thìa (có thể tán qua rây).

- Bé không muốn ăn: Có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng kẻo làm bé sợ ăn; vì việc tạo thói quen ăn uống quan trọng hơn việc phải ăn cho hết suất.

Người mẹ cần phải thật kiên nhẫn, thận trọng và bình tĩnh khi cho con ăn giậm, đặc biệt đối với những bé hay quấy khóc và kháng cự. Hãy luôn nhớ rằng, ăn giặm không chỉ đơn thuần là cung cấp thể chất dinh dưỡng cho trẻ mà còn là một hình thức giúp trẻ học hỏi và làm quen với những kỹ năng mới. Cho trẻ ăn đúng cách sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt, hoàn thiện kỹ năng nhai, nuốt, phát triển cơ hàm để làm tiền đề cho kỹ năng nói sau này. Vì thế việc đảm bảo tính an toàn và thoải mái để trẻ có thể phát triển tốt những kỹ năng này là rất quan trọng.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét